Tứ chứng nan y – Quan niệm xưa và nay

Trong dân gian có câu mọi người thường nói mỗi khi gặp ai mắc một trong bốn chứng bệnh Phong – Lao – Cổ – Lại, là tứ chứng nan y, thuộc loại khó trị. Quan niệm Xưa và Nay khác nhau như thế nào?

 

Về mặt chiết tự và ngữ nghĩa theo xưa

Phong là gió. Khi Khí huyết suy yếu, tinh thần mệt mỏi, gió độc trúng vào làm méo mồm, mắt xếch, cấm khẩu, tê run, bại xuội, bán thân bất toại. Theo mô tả này thì đây là Đột quỵ hay Tai biến mạch máu não của ngày nay.

Lao là hao mòn, nhọc mệt. Vì khó nhọc quá, lao tâm lao lực quá, hao mòn khí huyết xương thịt, làm cho mỗi ngày một cơn nóng âm, ho đàm, ho bọt, toát mồ hôi,… Trong đó phân ra dương lao, âm lao và trùng lao.

Cổ là cái trống, bụng to như cái trống. Bởi tửu sắc quá độ, ẩm thực không chừng mực làm cho tỳ vị hư nhược, những chất ăn vào không làm ra dưỡng chất nuôi thân thể, tích kết lại ở trong bụng rồi biến ra nước làm bụng to như cái trống, dần dần sưng mặt, sưng tay chân, sưng phù cả thân thể.

Lại là bệnh cùi. Bởi ngoài cảm phong độc, thấp độc, nhiệt độc, trong ăn uống nhiều chất lạ chất độc, phòng dục ô uế hay chung chạ truyền nhiễm mà phát. Triệu chứng: trước ngứa khắp thân thể, sau cào gãi da rộp trắng hay đỏ tím như phát ban, lâu ngày da chết, cào không biết nhột, thịt chết cắt không biết đau; gân chết tay chân buông thoải; xương chết rụng dần các đốt, sống mũi mòn dần, lông mày rụng, mắt mờ, tiếng nói khan,…

Tương quan bệnh cảnh ngày nay

Theo mô tả các triệu chứng bệnh của tứ chứng, chúng ta có thể hình dung các bệnh cảnh của Tây Y theo trình tự trên như sau:

Đột quỵ hay Tai biến mạch máu não là hậu quả của nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh lý khác nhau có liên quan đến tim mạch và chuyển hóa, như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tăng mỡ máu, đái tháo đường,… Đột quỵ gây ra yếu hoặc liệt nửa người, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, dù đây là loại bệnh lý được Y tế thế giới cảnh báo là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, nhưng ngày càng được nghiên cứu sâu sắc từ điều trị, đến phục hồi vận động, cũng như bằng phối hợp với các phương tiện truyền thông, giúp cho người bệnh hiểu và quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân để nhận biết sớm, đề phòng và điều trị. Có thể nói ngày nay, bán thân bất toại không còn là bệnh nan y nữa.

Lao với quan niệm xưa có thể tương quan ngày nay là bệnh Lao do vi trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis và cả suy nhược mạn tính. Cả hai bệnh này dù khó, nhưng vẫn có thể được chữa khỏi. Lao có thể được chữa bằng nhiều phác đồ phối hợp các thuốc kháng lao tùy thuộc vào mức độ khởi bệnh cũng như cơ địa của mỗi người. Và suy nhược mạn tính, phối hợp từ các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc đồng thời với sự tuân thủ luyện tập của người bệnh, cũng không còn là bệnh nan y.

Cổ, tương quan là bệnh Xơ gan cổ trướng, hay xơ gan mất bù của Tây y, đây là giai đoạn nặng của xơ gan, tế bào gan gần như xơ hóa hoàn toàn. Cho đến nay vẫn là bệnh nan y, khoa học chỉ có thể giúp giải quyết tạm thời các triệu chứng, hoặc hãn hữu có điều kiện ghép tạng thay gan thì bệnh nhân mới có thể duy trì sự sống.

Lại tương quan với bệnh Phong. Nếu nhà thơ Hàn Mạc Tử sống ở thời đại ngày nay thì ông đã không chết trẻ, xã hội không mất một nhà thơ tài hoa, đời còn có thêm những tác phẩm bất tử làm phong phú đời sống tinh thần cho các thế hệ, vì ngày nay đã có thuốc trị Phong. Người bệnh hòa nhập với xã hội và sống cuộc sống bình thường vì được chữa trị và phòng bệnh đúng mức.

Vậy thì trong – tứ chứng nan y – chỉ còn Cổ trướng hay xơ gan mất bù là nan trị.

 

Kết hợp Đông – Tây Y trong điều trị Xơ gan mất bù

Xơ gan mất bù là hậu quả của xơ gan chuyển từ viêm gan mạn tính có nguyên nhân do rượu, do Viêm gan siêu vi B – C mạn tính, do tự miễn, do độc chất,… làm mất dần các chức năng của gan như:

  • Không còn khả năng giải độc: Gan là một trong các hàng rào bảo vệ cơ thể để chống lại các yếu tố độc hại xâm nhập qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Cơ chế chống độc của gan do cả tế bào Kupffer và tế bào gan đảm nhiệm. Khi gan bị xơ, các chất độc này tự do tung hoành gây mẩn ngứa, khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn,…
  • Không còn khả năng chuyển hóa và dự trữ chất đường sử dụng khi cần thiết, do đó lượng đường trong máu sẽ tăng, đến một mức độ nào đó sẽ gây bệnh đái tháo đường thứ phát sau xơ gan.
  • Không còn khả năng chuyển hóa và tổng hợp các chất đạm cần thiết để duy trì áp suất keo giữ nước ở trong lòng mạch và trong tế bào, làm nước thoát ra gian bào gây phù và báng bụng (cổ trướng).
  • Không còn khả năng sản xuất và bài tiết mật. Khi xơ gan, không những giảm sản xuất tế bào gan, mà các tế bào còn lại bị xơ hóa sẽ ảnh hưởng đến đường đi của mật, thay vì đổ vào ruột thì sẽ vào máu gây vàng da và ngứa.
  • Không còn khả năng đông máu và chống đông máu. Gan dự trữ vitamin K và sản xuất ra nhiều yếu tố đông máu. Do đó khi suy gan thường bị rối loạn đông máu.

Từ việc mất dần các chức năng trên, xơ gan mất bù (không còn khả năng tự điều chỉnh các rối loạn khởi đầu do tế bào gan xơ hoàn toàn), có thể đưa đến những biến chứng nguy hiểm như:

Xuất huyết tiêu hóa: Xơ gan khiến cho dòng máu đi qua gan bị cản trở, làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến dãn nhiều mạch máu ở thực quản và dạ dày. Nếu dãn quá mức, mạch máu sẽ bị vỡ, bệnh nhân nôn ra máu đỏ tươi lượng nhiều và đi ngoài phân đen. Không xử trí kịp thời rất dễ gây tử vong.

Hội chứng gan thận: Hội chứng gan thận là một dạng suy thận trước thận do giãn mạch, làm giảm thể tích máu động mạch dẫn đến co mạch thận. Điều này thường xảy ra ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng.

Nhiễm trùng do vi khuẩn: Gan tham gia vào các chức năng miễn dịch bảo vệ cho cơ thể chống lại nhiễm trùng. Bệnh nhân xơ gan dễ có nguy cơ nhiễm trùng, có khi phải nhập viện với các triệu chứng như sốt, đau bụng hoặc quá nhạy cảm với đau, tăng bạch cầu, nhiễm trùng máu.

Bệnh não gan: Trong xơ gan, do chức năng gan bị suy giảm nên quá trình chuyển hóa các chất độc hại cũng bị cản trở. Amoniac là chất độc hại quan trọng nhất gây ra bệnh não gan. Nồng độ amoniac tương quan với độ nặng của bệnh não gan, lượng amoniac gan không chuyển hóa được càng nhiều thì bệnh não gan càng nặng.

Ung thư gan: Người mắc bệnh xơ gan nguy cơ rất cao dẫn đến tình trạng ung thư gan rồi tử vong, xơ gan chiếm 80% trường hợp ung thư gan nguyên phát.

Xơ gan cổ trướng, là căn bệnh phổ biến, có nhiều biến chứng như trên, nhưng cho tới nay, việc điều trị bệnh ở giai đọan này vẫn là nan giải. Các biện pháp chữa trị của Tây y lúc này chỉ là làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa biến chứng hoặc điều trị biến chứng. Vấn đề là điều trị từ nguyên nhân ngay giai đoạn sớm của bệnh, như điều trị viêm gan siêu vi B, C tích cực, hạn chế rượu bia,… để viêm gan không diễn tiến thành mạn tính, không thành xơ gan, cũng như không diễn tiến đến Xơ gan cổ trướng,…

Đông Y có thể làm gì?

Câu hỏi vẫn chưa có trả lời bằng các bằng chứng khoa học, nhưng kinh nghiệm xưa lưu truyền lại vẫn được nêu trong các y văn, vẫn là các phương pháp Phù chính để Khu tà, có thể nào phù chính có khả năng phục hồi lại các tế bào gan? Các công trình nghiên cứu kết hợp Đông và Tây y trong điều trị Xơ gan giai đoạn mất bù là câu trả lời xác đáng nhất, để chứng Cổ, không còn là nan y.

Tứ chứng nan y theo quan niệm xưa, tương ứng với các loại bệnh như Đột quỵ, Lao, Xơ gan mất bù, Phong,… đều là những bệnh nặng, cho dù chỉ có xơ gan giai đoạn mất bù hay xơ gan cổ trướng là chưa thể chữa khỏi, nhưng cả 4 bệnh nói trên đều có thể gây nhiều biến chứng, tàn phế và thậm chí tử vong. May mắn là cả 4 bệnh trên đều có thể điều trị và phòng ngừa diễn tiến nặng, nếu mỗi chúng ta áp dụng cách sống khoa học, chế độ dinh dưỡng đủ chất, rèn luyện thể lực, loại bỏ mọi thói quen xấu như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, đồng thời quan tâm đến bản thân bằng khám sức khỏe định kỳ,… để có thể điều trị kịp thời ở những giai đoạn sớm, không diễn tiến vào giai đoạn nan y, đó cũng là cách phòng bệnh tốt nhất.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

– Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết