Trò chuyện cùng TS. BS Nguyễn Huy Thắng: Vì những điều tốt nhất cho các bệnh nhân đột quỵ

“Từ một đơn vị đột quỵ đầu tiên ở Bệnh viện Nhân dân 115, đến nay đã có 60 đơn vị trên cả nước, mục tiêu đến năm 2020, chúng ta sẽ có được 100 đơn vị. Từ con số 9 bệnh nhân vào năm 2006, nay đã lên đến 5.000 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch, vượt qua cửa tử đột quỵ. Không dừng lại ở đó, việc điều trị đột quỵ đã được lật sang trang mới, khi việc điều trị có thêm phương pháp lấy các huyết khối bằng các dụng cụ cơ học, làm tăng cơ hội thành công trong điều trị đột quỵ. Chưa kể, chúng ta đã ghi được tên của VN trên bản đồ điều trị đột quỵ của khu vực và thế giới”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng TS. BS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM xung quanh câu chuyện thú vị này.

1/ Thưa BS, việc áp dụng thành công các kỹ thuật mới trong điều trị đột quỵ đã giúp cứu sống bệnh nhân đột quỵ cũng như làm giảm đáng kể nguy cơ tàn phế sau đột quỵ. BS có thể cho biết, những kỹ thuật mới đó là gì? Những bước tiến bộ so với trước đó?

TS Huy Thắng: Hiện nay, tử vong do đột quỵ chiếm hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, gánh nặng thật sự của đột quỵ chính là những mất mát do hậu quả tàn phế. Theo công bố của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, cứ 10 bệnh nhân bị đột quỵ, chỉ có 3 người có thể quay lại công việc trước đó. Sự tàn phế đó không chỉ là gánh nặng cho bản thân bệnh nhân, gia đình, mà còn là gánh nặng cho cả xã hội. Đó là lý do tại sao mà ở Hoa Kỳ đến thập niên 1970, mặc dù đã giảm được khoảng 2/3 nguy cơ tử vong do nguyên nhân đột quỵ, tuy nhiên số tiền phải trả cho bệnh nhân cứ tăng dần theo mỗi năm. Trước thập niên 90, điều trị đột quỵ chủ yếu chỉ nhằm giúp bệnh nhân sống được, không có những điều trị đặc hiệu có thể giúp cho bệnh nhân có thể phục hồi các chức năng thần kinh. Giống như chúng ta thấy một căn nhà đang cháy mà chỉ có thể quan sát, thấy ai nguy hiểm thì cứu nhưng không dập tắt được đám cháy. Năm 1995 là một cột mốc rất quan trọng trong điều trị đột quỵ. Đó là lần đầu tiên, chúng ta có một phương pháp điều trị chuyên biệt bệnh lý đột quỵ. Lần đầu tiên chúng ta có một nghiên cứu, đó là thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Hiểu cơ chế gây ra đột quỵ đó là hiện tượng hình thành khối máu đông gây thuyên tắc trong lòng mạch máu. Khi tắc một mạch máu lớn ở trong não, cứ một phút trôi qua, bệnh nhân có thể mất đến 2 triệu tế bào thần kinh. Sự mất mát này không tái tạo lại được. Khi sử dụng các thuốc TPA, thuốc có tác dụng làm tiêu hủy cục huyết khối rất nhanh chóng và khi tái lập được dòng máu nuôi sẽ cứu được tế bào não. Thuốc TPA là có hiệu quả rõ rệt trong cửa sổ 3 giờ sau khi bị đột quỵ và gần đây nghiên cứu cho phép chúng ta sử dụng trong 4 giờ 30 hoặc có thể lâu hơn nếu có sự trợ giúp của các phương tiện hình ảnh học. Như vậy, các bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện và sử dụng sớm các thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, sẽ giúp cho bệnh nhân tăng khả năng phục hồi. Theo nghiên cứu cho thấy, với thuốc tiêu sợi huyết chúng ta có thêm 13% cơ hội phục hồi trở lại gần như bình thường. Nói một cách nôm na, cứ 8 người sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch thì chúng ta có thêm 1 người phục hồi hoàn toàn so với các điều trị chuẩn trước đây. Như vậy, ngày nay, mục tiêu điều trị đột quỵ không chỉ là cứu sống bệnh nhân, mà làm sao bệnh nhân đó phải quay trở lại cuộc sống bình thường, quay trở lại công việc trước đây. Đó mới là mục tiêu chính của y học hiện đại.

2/ Được biết, từ năm 2015, Hội Đột quỵ Hoa Kỳ đã công bố kết quả của phương pháp điều trị đột quỵ mới: sử dụng dụng cụ lưới để lấy cục huyết khối. Đây là một kỹ thuật tiên tiến rất hiệu quả được chỉ định cho các trường hợp đột quỵ nặng, đã thất bại với thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc khi bệnh nhân nhập viện trễ. Từ năm 2012, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã tiên phong thực hiện kỹ thuật này. Năm 2017, tiếp tục mở rộng thời gian vàng từ 6 đến 24 giờ với bệnh nhân có chỉ định lấy huyết khối bằng dụng cụ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ. Điều này mở ra nhiều những cơ hội mới cho bệnh nhân đột quỵ, phải không thưa BS?

TS Huy Thắng: Như đã nói, năm 2006, chúng ta đã bắt đầu sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong cửa sổ 3 giờ vàng. Đến năm 2008, tiếp tục mở rộng cửa sổ đường tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch lên 4 giờ rưỡi. Khó khăn trong điều trị cấp đó là tỉ lệ bệnh nhân đến kịp trong 3 giờ vàng là rất ít. Tại BV Nhân dân 115 cách đây 10 năm, ghi nhận tỉ lệ các bệnh nhân đến kịp trong cửa sổ 3 giờ chỉ là 5%. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông, người dân đã biết được cửa sổ giờ vàng, thì hiện nay tỉ lệ các bệnh nhân nào vào với BVND115 trong cửa sổ vàng khoảng 19%, tức là tăng gần gấp 4 lần so với trước đây. Tuy nhiên, 19% cũng là con số nhỏ và bằng cách cảnh báo nhận biết sớm các triệu chứng của đột quỵ nhiều hơn nữa đến cộng đồng, chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng thêm các bệnh nhân đến sớm hơn nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, chuyển giao kỹ thuật này cho nhiều bệnh viện nhằm điều trị kịp thời các bệnh nhân ở vùng xa.

Đến năm 2015, cột mốc của việc điều trị đột quỵ có thêm một bước tiến mới, đó là trên các bệnh nhân mà bị tắc các mạch máu lớn và khi chúng ta điều trị phối hợp tĩnh mạch sau đó chuyển sang lấy các huyết khối bằng các dụng cụ cơ học, cơ hội thành công sẽ cao nữa. Cũng cần biết rằng, những ca tắc động mạch lớn này nếu không được điều trị tái tưới máu, gần như 100% bị tàn phế rất nặng hoặc tử vong.

Ở VN chúng ta, kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch được áp dụng từ năm 2006 và kỹ thuật này năm đầu tiên được đưa vào VN thì rất ít người biết. Lúc đó nhiều BS chưa quen với việc sử dụng các thuốc tiêu sợi huyết này, do vậy tỉ lệ các bệnh nhân sử dụng dường như rất thấp. Như năm 2006, chỉ có 9 trường hợp được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết này. Nhưng sau đó bệnh nhân ngày càng biết dần, các bác sĩ, các quy trình, kỹ thuật cũng được cải thiện dần. Năm 2018, tổng số các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết bằng tĩnh mạch ở BV 115 lên đến 996 bệnh nhân. Như vậy trung bình ở BV 115 thường có 2-3 ca được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, đây là con số cực kỳ lớn, không chỉ riêng ở VN mà ngay cả ở các trung tâm đột quỵ lớn thế giới. Kỹ thuật này BV 115 đã chuyển giao cho gần như các BV khác trên toàn VN. Đến nay, chúng ta đã phát triển đến 60 trung tâm có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch cho các bệnh nhân đột quỵ. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 5.000 bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Như vậy, từ con số 9 bệnh nhân vào năm 2006, nay đã lên đến 5.000 bệnh nhân. Tuy nhiên con số này vẫn còn thấp nếu như chúng ta thấy rằng, mỗi năm ở VN có trên 200.000 các trường hợp đột quỵ. Nếu như chúng ta lấy 5.000 bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch chia cho trên 200.000 thì tỉ lệ các bệnh nhân được hưởng lợi từ kỹ thuật này chỉ có khoảng 2-3%.

Riêng kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ, BV Nhân dân 115 cũng là nơi áp dụng kỹ thuật này đầu tiên cho các bệnh nhân đột quỵ. Ca đầu tiên mà chúng tôi thực hiện thành công kỹ thuật này là năm 2008. Đến năm 2018, BVND115 có khoảng 2000 bệnh nhân được lấy huyết khối bằng các dụng cụ cơ học (riêng trong năm 2018 là 490 trường hợp) Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm đó là chi phí khá cao và không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng được kỹ thuật này.

3/ Không chỉ triển khai tại BV 115, kỹ thuật này được BV tập huấn, nhân rộng ra nhiều BV khác. BS đánh giá về hiệu quả của chương trình này như thế nào? Với dự án nhằm nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ bằng cách thành lập các đơn vị đột quỵ tại các BV và tối ưu hóa chất lượng điều trị đột quỵ tại các đơn vị hiện có, chương trình được triển khai từ tháng 4-2017. Mục tiêu là đến năm 2021, Việt Nam sẽ có 100 bệnh viện có đơn vị đột quỵ khắp các tỉnh thành. Đến nay, mục tiêu này đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa BS?

TS Huy Thắng: Nói đến điều trị cấp người ta nói đến điều trị thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung, tỉ lệ bệnh nhân được hưởng lợi bằng 2 kỹ thuật này, vẫn còn rất thấp, dưới 5%. Điều đó có nghĩa là 95% bệnh nhân còn lại không thực hiện được điều trị đặc hiệu. Như vậy các bệnh nhân này hầu hết là điều trị phòng ngừa và tập vật lý trị liệu. Vấn đề đặt ra là nếu như chúng ta xét trên một BV nhỏ thì chúng ta thấy rằng với lợi ích rất lớn từ điều trị cấp sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân, tuy nhiên nếu chúng ta xét trên đất nước, bệnh nhân của toàn VN, thì việc quan trọng nhất đó là việc thành lập các đơn vị đột quỵ. Khi những nhân viên, bác sĩ, y tế, các nhân viên vật lý trị liệu, nhân viên phục hồi chức năng được đào tạo chuyên biệt cho các bệnh nhân đột quỵ. Đơn vị đột quỵ sẽ giảm được nguy cơ tàn phế, giảm được các biến chứng gây ra tử vong và giúp cho bệnh nhân phục hồi tốt hơn. Và quan trọng nhất, tất cả 100% bệnh nhân đột quỵ đều có thể hưởng lợi từ các đơn vị đột quỵ chứ không phải chỉ có dưới 5% bệnh nhân được hưởng lợi bằng các biện pháp điều trị cấp. Như vậy, quan trọng nhất là chúng ta có đơn vị đột quỵ trước, bao gồm các BS, y tá được huấn luyện riêng về đột quỵ, chúng ta có một đội ngũ nhân viên phục hồi chức năng để phục hồi cho bệnh nhân. Và sau đó, tiếp tục nâng lên một bước đó là điều trị chất lượng cao: tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ như đã nói ban đầu.

Hiện nay ở VN, chúng tôi đang phối hợp với các Hội Đột quỵ TP.HCM, Hội đột quỵ VN để tiếp tục phát triển mô hình thành lập các đơn vị đột quỵ lên đến nhiều tỉnh thành khác nhau. Từ đơn vị đột quỵ đầu tiên ở BVND 115, hiện nay chúng ta đã có 60 đơn vị trên cả nước. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2020 là chúng ta sẽ có được 100 đơn vị khắp đất nước, bằng cách triển khai nhiều lớp học, nhiều lớp đào tạo giúp cho các BS đến học, thực hành, chuyển giao các kỹ thuật điều trị, kỹ thuật săn sóc, kỹ thuật phục hồi chức năng cho các bệnh nhân đột quỵ. Đó là điều quan trọng nhất để mang lại lợi ích cho các bệnh nhân đột quỵ.

4/ Một trong những chương trình được triển khai mang tầm khu vực Đông Nam Á, là việc xây dựng và phát triển mạng lưới đột quỵ, mạng lưới cấp cứu ngoại viện và các chương trình tuyên truyền cho cộng đồng. Đây là chương trình mang tính toàn cầu được thực hiện lần đầu tiên tại châu Âu vào năm 2015 và năm 2017 bắt đầu triển khai tại Việt Nam. Chương trình này được cố vấn bởi Hội Đột quỵ Châu Âu và Hội Đột quỵ thế giới. BS có thể chia sẻ thêm về việc triển khai và kết quả thực hiện chương trình đến thời điểm này?

TS Huy Thắng: Để tăng chất lượng Đơn vị đột quỵ, tôi thường xuyên tham gia nhiều khóa đào tạo và hợp tác với các tổ chức đột quỵ có uy tín như Hội Đột quỵ Châu Âu, Hội Đột quỵ Thế giới. Qua đó, chúng ta có những hoạt động trao đổi về chuyên môn cũng như cập nhật các kỹ năng điều trị đột quỵ. Tham gia các chương trình này, chúng tôi chuẩn hóa việc chăm sóc các bệnh nhân đột quỵ bằng các quy trình săn sóc theo tiêu chuẩn Châu Âu. Trong năm 2018, khoa Đột quỵ BVND 115 đã được Hội Đột quỵ Châu Âu trao giải vàng về chất lượng điều trị đột quỵ. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Đông Nam Á đạt được tiêu chuẩn vàng của Hội Đột quỵ Châu Âu.

 

5/ Vấn đề làm ngành y tế và cộng đồng quan tâm là Đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Theo BS, nguyên nhân vì sao?

TS Huy Thắng: Tuổi thường gặp nhất của đột quỵ vào khoảng trung bình 60 tuổi. Người ta thấy rằng, tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng lớn. Bởi khi tuổi càng lớn, nguy cơ bệnh nhân bị cao huyết áp càng nhiều, tiểu đường cũng càng cao, các bệnh tim mạch cũng vậy. Đây là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ. Tuy nhiên gần đây, số bệnh nhân bị đột quỵ ở lứa tuổi trẻ cũng khá thường gặp, bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện, đặc biệt là thuốc lá – vì thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ. Tiếp đó, là việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Chưa kể, cuộc sống hiện đại, mức độ căng thẳng, mức độ stress cũng cao hơn, làm tăng tần suất mắc bệnh đột quỵ ở các bệnh nhân trẻ hơn.

6/ Những thách thức trong điều trị đột quỵ hiện nay là gì, thưa BS?

TS Huy Thắng: Ngày càng nhiều các bệnh nhân biết đến giờ vàng trong đột quỵ, đó là điều rất quý báu. Tuy nhiên, còn rất nhiều bệnh nhân đến trễ, nhiều gia đình chỉ cách bệnh viện chỉ khoảng 1km, nhưng do không nhận thức được các triệu chứng đột quỵ, nên khi người nhà có các dấu hiệu đột quỵ lại nghĩ rằng đây là trúng gió. Nhiều người đã cấp cứu bện nhân đột quỵ bằng cạo gió, vắt chanh, lấy kim châm đầu ngón tay, hoặc uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà gần đây thường nhắc đến là An cung ngưu hoàn hoàn. Những thuốc này, những cách này được xem là những cách không chứng minh được hiệu quả và thậm chí còn có thể gây hại đối với các bệnh nhân đột quỵ. Thay vì đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để tiết kiệm thời gian vàng, thì người nhà lại tiêu phí những thời gian đó bởi vì điều trị vô bổ như vậy. Đây là vai trò của ngành y tế, của Hội đột quỵ cũng như của các phương tiện truyền thông giúp cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có thêm nhiều kiến thức, làm sao nhận biết một cách đơn giản các triệu chứng của đột quỵ, để nhận biết thật sớm và đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện mà có khả năng điều trị. Riêng Hội Đột quỵ TPHCM, chúng tôi đã thực hiện những phim, ảnh để bệnh nhân nhận biết triệu chứng đột quỵ, cung cấp cho bệnh nhân “Bản đồ đột quỵ” – tức là bản đồ những bệnh viện có thể điều trị đột quỵ gần nhất, để có thể đưa người nhà tiếp cận nhanh nhất các BV có khả năng điều trị được.

 

7/ Những năm gần đây, các Hội thảo của Hội Đột quỵ TPHCM được tổ chức mang tầm khu vực. Cũng là điều khá đặc biệt khi những cuộc hội thảo, dù là phải đóng chi phí tham dự nhưng luôn full người tham dự. Khác khá nhiều những hội nghị mang tính đến hẹn lại lên. Hội thảo của Hội Đột quỵ TP.HCM luôn có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu khu vực, thế giới. Với vai trò chủ tịch Hội, BS đã làm điều này như thế nào?

TS Huy Thắng: Ngoài việc làm sao rút ngắn quy trình, cải thiện quy trình, nâng cao chất lượng điều trị thì một trong những hoạt động để chúng tôi có thể nâng trình độ của bác sĩ điều trị đó là chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khoa học, mời những chuyên gia đầu ngành của thế giới. Việc tham gia những hội thảo tầm quốc tế như vậy giúp tạo điều kiện cho các bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ có cơ hội tham gia trau dồi thêm kiến thức và hòa nhập với nền y học thế giới hiện nay.

8/ Một trong những điểm nhấn khá ấn tượng là việc “mang chuông đi đánh xứ người” mang tầm khu vực và quốc tế. Những nội dung nào tạo được dấu ấn với bạn bè thế giới, thưa BS?

TS Huy Thắng: Một điểm cũng khá tự hào đó là gần đây chúng ta đã tham gia báo cáo ở các hội nghị đột quỵ chuyên ngành lớn của thế giới về những gì mà chúng ta làm được, những điều mà chúng còn khó khăn. Rất nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên rằng, VN chúng ta là một nước thu nhập thấp, tổng thu nhập bình quân chúng ta thấp, nhưng chúng ta đã làm được rất nhiều cho các bệnh nhân đột quỵ. Ví dụ như Philippines, GDP cao hơn VN, tuy nhiên rất nhiều đồng nghiệp của Philippines phải chấp nhận: về mặt điều trị cấp không thể so với VN được vì số lượng, tỉ lệ các bệnh nhân đột quỵ ở Philippines sử dụng các kỹ thuật mới rất ít. Thậm chí ngay cả Malaysia, số lượng các bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tiên tiến cũng thấp hơn VN rất nhiều. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, nó làm chúng ta tự hào hơn và nổ lực hơn nữa trong điều trị cho các bệnh nhân đột quỵ hiện nay.

Cám ơn BS rất nhiều!

Kim Ánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Posted in: Bạn cần biết