Thanh xuân của những đoàn viên áo trắng

Nếu tuổi trẻ của bao thế hệ cha anh là tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” thì thanh xuân của lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh hôm nay chính là những công trình kiến tạo đưa Đất nước bay cao. Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến những thanh xuân rất khác như ở bệnh viện Nhân Ái tọa lạc tại huyện Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước xa xôi – Thanh xuân của những đoàn viên trong màu áo trắng người thầy thuốc. Đó là hành trình đấu tranh giành lấy từng phút tồn sinh cho bao bệnh nhân nhiễm HIV với án tử chực chờ.

Sau khi bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP.HCM) ra đời vào năm 2006, mãi đến năm 2008, Đoàn cơ sở của bệnh viện Nhân Ái mới chính thức được thành lập. Hoạt động của Đoàn gắn liền với nhiệm vụ chính của đơn vị là chăm sóc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối và sơ cấp cứu ban đầu cho người dân địa phương. Đến nay Đoàn cơ sở đã có 108 đoàn viên thuộc 5 chi đoàn. Nhìn về ngày ấy, có những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi từ khắp mọi miền Tổ quốc đã mang tri thức và nhiệt huyết để đến bệnh viện đặc biệt này hành nghề thầy thuốc.

 

Điều dưỡng Bùi Văn Tiến – Phòng công tác xã hội – Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Nhân Ái nhớ về thời điểm 10 năm trước, cơ duyên đưa anh đến với các bệnh nhân HIV/AIDS trước hết cũng vì cơ hội được đào tạo tại chỗ. Nhưng khi đã “trót” cảm thông và thương mến từng con người ở đây thì không nỡ rời đi.

Họ đến đây khi còn rất trẻ và táo bạo dấn thân, gan lì ở lại bệnh viện Nhân Ái, ngày đêm cận kề với các bệnh nhân HIV/AIDS. Ngay cả gia đình cũng hiếm khi thuận lòng ủng hộ những đứa con bướng bỉnh say nghề y đến quên cả hiểm nguy như thế. Cô điều dưỡng nhỏ bé mà gan lì Phan Thị Thủy – đoàn viên Khoa Nội 2 kể lại, những ngày đầu đến với Nhân Ái gia đình phản đối kịch liệt. Dù cha mẹ có ngăn cản thế nào, Thủy cũng quyết lòng bám trụ với bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân với mong muốn lại đến cho họ chút tình thân đã đánh mất. Thoáng chốc đã 3 năm sau khi kết hôn, cũng là ngần ấy thời gian Thủy chấp nhận sống xa chồng để làm tròn bổn phận người thầy thuốc.

Hiếm lắm mới thấy được một vài bậc mẹ cha tán thành với ý nguyện của con cái như bác sĩ Trầm Xuân Chánh – Trưởng khoa Săn sóc đặc biệt tại bệnh viện Nhân Ái. Con gái anh, điều dưỡng Trầm Điền Hồng Phước cũng đã trở thành đồng nghiệp, kề vai sát cánh cùng cha mình để chăm sóc và yêu thương các bệnh nhân nơi đây.

 

Không chỉ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, các nhân viên y tế ở Nhân Ái còn mang đến cho họ cảm giác được yêu thương mà có lẽ từ khi buông mình và sa vào bản án của tử thần HIV/AIDS, họ đã không còn nếm trải.

 

Ai đó đã nói rằng “Bạn chỉ có một cuộc đời để sống” và hầu như ai cũng trăn trở phải “sống” sao cho xứng kiếp nhân sinh ấy. Nhìn thấy công việc mà các đoàn viên áo trắng của bệnh viện Nhân Ái tận tụy thực hiện suốt bao năm qua, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, họ đã tìm được mục đích sống của mình. Đó là dấn thân cho y học và quên mình để mang lại chút an ủi cuối đời cho những nạn nhân của “căn bệnh thế kỉ”. Chiếc áo trắng họ mặc mỗi khi thực hiện nhiệm vụ người thầy thuốc dường như cũng sáng hơn, đẹp hơn bởi y đức rạng ngời và tinh thần thiện nguyện đẹp tươi như tuổi trẻ của chính họ…

Kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng Miền Nam giải phóng Đất nước

Kim Ngân

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

Posted in: Tin y tế