Rạn da – Nỗi ám ảnh!

Rạn da, luôn là nỗi lo lắng, ám ảnh với nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt với những người trong giai đọan mang thai, khi tăng cân và thậm chí là các em gái khi bước vào độ tuổi dậy thì. Có cách nào để giảm nguy cơ, khắc phục, điều trị một cách hiệu quả?

 

Rạn da là gì?

Vết rạn da thường xuất hiện dưới dạng các dãy nứt gãy song song trên da. Những đường này có màu sắc và cấu trúc khác với làn da bình thường với màu sắc thay đổi từ màu tím đến hồng sáng rồi xám nhạt hay trắng xà cừ. Khi bạn chạm vào các vết rạn bằng các đầu ngón tay, bạn có thể cảm nhận như sờ lên một vết sẹo nhẹ hoặc dấu ấn trên da. Đôi khi vết rạn da gây khó chịu hoặc gây đau cho bạn.

Những vết nứt da này thường xuất hiện trong hoặc sau khi mang thai hoặc sau khi thay đổi cân nặng đột ngột. Chúng cũng có xu hướng xuất hiện ở thanh thiếu niên thay đổi thể hình nhanh chóng. Vết rạn da không gây nguy hiểm và thường biến mất theo thời gian.

Bạn có thể bị rạn da ở bất cứ đâu, nhưng thường gặp hơn ở bụng, ngực, cánh tay trên, đùi và mông.

 

Nguyên nhân của rạn da là gì?

  • Thứ nhất, sự kéo căng da: Các vết rạn da là kết quả của việc căng da quá mức trong quá trình tăng cân nhanh và tăng cân nhiều. Lực kéo tác động lên các mô gây ra sự đứt gãy của các sợi đàn hồi ở lớp bì, luôn đi kèm với sự mất tính đàn hồi của da.
  • Thứ hai, sự gia tăng lượng cortisol trong cơ thể: Hormone này được sản xuất bởi tuyến thượng thận và ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của da: khi nồng độ cortisol trong máu tăng lên, việc sản xuất collagen và elastin sẽ giảm. Cấu trúc của lớp bì bị biến đổi và da mất tính đàn hồi.

Hai hiện tượng này không liên quan với nhau một cách có hệ thống, nghĩa là: vết rạn da có thể xuất hiện từ bất kỳ sự thay đổi nào về mặt trọng lượng, đặc biệt ở người gầy, có hoặc không có liên quan đến hoạt động của hormone.

 

Rạn da thường gặp ở đối tượng nào ?

  • Tuổi dậy thì: Trong giai đoạn hoạt động nội tiết tố cao này, tuyến thượng thận sản xuất nhiều cortisol, thúc đẩy sự hình thành các vết rạn da.
  • Mang thai: Mang thai là giai đoạn “có nguy cơ” cao nhất, vì hai yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện của các vết rạn da có liên quan một cách có hệ thống với nhau :

– Cơ thể sản xuất nhiều cortisol, như ở tuổi dậy thì.

– Tăng cân nhanh, tăng thể tích nhanh, đặc biệt là ở bụng. Da phải chịu sức căng mạnh.

Kết quả, gần 75% phụ nữ mang thai có vết rạn da. Rạn da thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ sáu của thai kỳ và số lần mang thai trước đó không ảnh hưởng đến sự xuất hiện của vết rạn.

  • Căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng gây ra sự gia tăng bài tiết cortisol, nên hormone này còn có tên gọi là “hormone căng thẳng”, có liên quan đến sự ra đời của các vết rạn da.

Những người bị căng thẳng nghiêm trọng và kéo dài có thể phát triển các vết rạn da đơn giản chỉ vì sự gia tăng tỷ lệ cortisol trong máu. Đây là nguyên nhân nhiều phụ nữ phát hiện các vết rạn trên da trong khoảng từ 25 đến 35 tuổi, ngoài thời gian mang thai hoặc tăng cân. Hiện tượng này cũng thường được quan sát thấy ở các vận động viên chuyên nghiệp, bị căng thẳng vì thành tích thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại.

  • Một số bệnh hoặc phương pháp điều trị sử dụng cortisone: một số bệnh hiếm gặp, như hội chứng Cushing, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos và các rối loạn khác của tuyến thượng thận có thể gây ra các vết rạn da bằng cách tăng lượng cortisone trong cơ thể. Các phương pháp điều trị dựa trên cortisone hoặc sử dụng các sản phẩm chứa corticosteroid tại chỗ (cortisone và các dẫn xuất của nó) cũng có thể gây ra các vết rạn da.
  • Sử dụng các sản phẩm làm trắng da “ thần thánh ” không rõ nguồn gốc: Hầu hết các sản phẩm này đều chứa dẫn xuất của cortisone, nguồn gốc của sự hình thành các vết rạn da.

 

Ai có yếu tố nguy cơ bị rạn da cao nhất?

Bạn sẽ có nguy cơ bị vết rạn da cao hơn những người khác khi bạn có các yếu tố sau:

  • Bạn là phụ nữ.
  • Bạn có làn da trắng .
  • Bạn có tiền sử gia đình bị rạn da.
  • Bạn mang thai.
  • Bạn có tiền sử sinh con to hoặc sinh đôi.
  • Bạn thừa cân.
  • Giảm hoặc tăng cân đột ngột.
  • Sử dụng thuốc corticosteroid.
  • Di truyền: Xu hướng rạn da thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Chất lượng collagen trong da được quyết định về mặt di truyền, nó thay đổi từ cá nhân này sang cá nhân khác.
  • Hút thuốc: Các sản phẩm độc hại có trong thuốc lá làm suy giảm cấu trúc của lớp bì cũng như chất lượng của elastin và collagen được sản xuất.
  • Khó khăn trong việc ổn định cân nặng của bạn: Liên tục tăng và giảm cân làm suy yếu da.

Làm thế nào có thể ngăn ngừa rạn da?

Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn vết rạn da, ngay cả khi bạn thường xuyên sử dụng kem hoặc lotion dưỡng da. Tuy nhiên, giữ cân nặng của bạn trong phạm vi an toàn bằng cách ăn uống tốt và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các vết rạn da do tăng hoặc giảm cân đột ngột.

Tăng cân khi bạn mang thai là cần thiết, nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về liệu trình tăng cân như thế nào trong thai kỳ là phù hợp với bạn.

 

Mặc dù bạn có nguy cơ bị rạn da cao hơn những người khác, bạn có thể thực hiện một số bước nhất định để giảm nguy cơ rạn da

  1. Kiểm soát cân nặng

Một trong những điều hữu ích nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa rạn da, cho dù bạn có thai hay không, vẫn nên duy trì cân nặng hợp lý. Rạn da có thể xảy ra khi da bạn tách ra nhanh chóng do tăng cân hoặc sau khi giảm cân quá nhanh trong thời gian ngắn, đặc biệt những bạn ở tuổi dậy thì, cũng như các bạn thể thao hạng nặng như thể hình…

Một chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh sẽ giúp bạn quản lý cân nặng của mình. Nếu bạn nhận thấy tăng hoặc giảm cân quá nhanh ngoài tầm kiểm soát, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm hiểu lý do tại sao.

Khi mang thai:

  • Theo dõi sự tăng cân của bạn theo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ sản khoa.
  • Cách tốt nhất để sản phụ ngăn ngừa rạn da là tăng cân từ từ trong thai kỳ. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ để tìm một chương trình ăn kiêng và tập thể dục để giúp bạn tránh thu nhận quá cao đồng thời chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi thai.
  • Giữ ẩm cho làn da của bạn mỗi ngày, đặc biệt là vùng bụng của bạn, để duy trì độ đàn hồi của da và giúp da có khả năng chống lại sức căng tốt hơn.
  1. Giữ ẩm và cung cấp đủ nước cho da

Uống đủ nước có thể giúp cho làn da của bạn ngậm nước và mềm mại. Da mềm mại, căng nước sẽ không có xu hướng phát triển các vết rạn da nhiều như da khô. Bạn nên uống đủ nước hàng ngày như khuyến cáo từ 2-2,5 lít cho nam và 1,5-2 lít đối với nữ.

Nên nhớ rằng thức uống có chứa caffein, chẳng hạn như cà phê, làm tăng nguy cơ phát triển các vết rạn da. Nếu bạn uống cà phê, hãy cân bằng nhu cầu nước hàng ngày của mình với nhiều loại nước khác, như trà thảo dược và các chất lỏng không chứa caffeine khác.

Thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày ngay sau mỗi lần tắm.

Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, làm mất nước da và làm giảm độ đàn hồi của da.

  1. Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng

Rạn da cũng có thể xảy ra nếu bạn thiếu hoặc kém dinh dưỡng ở một số giai đoạn trong đời. Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn bao gồm đủ các loại thực phẩm giàu: vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, protein để cải thiện sức khỏe của da có thể giúp làm giảm nguy cơ rạn da.

Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, đường và muối cao để tránh cơ thể bạn bị “hiệu ứng yoyo”.

Cách đảm bảo tiêu thụ nhiều loại chất dinh dưỡng là bạn nên chọn thực phẩm chưa qua chế biến có màu sắc khác nhau. Ví dụ, một bữa sáng gồm trứng, bánh mì nướng và quả mọng hỗn hợp… vừa tô thêm màu sắc cho bữa ăn vừa đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và các vitamin thiết yếu.

  1. Cung cấp đủ vitamin C trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn

Collagen giúp cho da của bạn khỏe và đàn hồi tốt cũng như giúp giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, và cũng quan trọng để ngăn ngừa vết rạn da.

Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của collagen. Vitamin C có thể được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả. Trái cây họ cam quýt, như cam và chanh, là một nguồn vitamin C tuyệt vời

  1. Bổ sung vitamin D

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa nồng độ vitamin D thấp và tỷ lệ xuất hiện vết rạn da.  Việc duy trì mức vitamin D đủ không thiếu hụt có thể làm giảm nguy cơ bị rạn da.

Cách dễ nhất để có Vitamin D là phơi nắng. Tuy nhiên bạn cũng có thể bổ sung nguồn Vitamin này từ ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa như sữa tươi hoặc sữa chua.

  1. Ăn thực phẩm giàu kẽm

Kẽm là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của da, giúp giảm viêm và đóng một vai trò trong quá trình liền sẹo. Cho đến nay có rất ít bằng chứng về mối liên hệ giữa kẽm và vết rạn da, nhưng việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu kẽm trong chế độ ăn uống của bạn, chẳng hạn như các loại hạt và hải sản, có thể giúp giữ cho làn da của bạn khỏe đẹp.

  1. Nói không với sản phẩm làm trắng sáng có chứa corticoid

Tránh sử dụng các sản phẩm làm sáng không rõ nguồn gốc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được tư vấn các sản phẩm làm sáng da an toàn.

Không sử dụng thuốc có chứa cortisone mà không có chỉ định của bác sĩ.

  1. Giảm stress và tăng vận động

Hạn chế căng thẳng: Cân bằng giữa công việc và giải trí để đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt, ngăn ngừa stress.

Luyện tập thể chất thường xuyên (giúp quản lý căng thẳng và thúc đẩy chất lượng giấc ngủ).

Đảm bảo ngủ đủ giấc. Cố gắng đi ngủ trước nửa đêm và ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm.

Kích thích các tế bào sợi của da bằng cách thực hành massage “nắn-lăn” 2 lần một tuần để thúc đẩy lưu thông máu, giúp vận chuyển oxy ở lớp bì giúp tái tạo các sợi collagen.

  1. Điều trị rạn da ngay khi chúng xuất hiện

Nếu bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn các vết rạn trên da, bạn có thể giảm thiểu sự xuất hiện của chúng. Hãy lấy một cuộc hẹn với bác sĩ thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu để thảo luận về các phương pháp điều trị phù hợp nếu bạn có vết rạn da mới. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây ra các vết rạn của bạn và có thể đề xuất các lựa chọn điều trị hiệu quả hơn cho các vết rạn da mới.

 

Điều trị

Ngăn ngừa rạn da là một việc khó, nhưng nhiều phương pháp điều trị có thể làm giảm sự hiện diện của chúng.

  • Kem thoa retinoid

Kem retinoid là thuốc bôi chứa dẫn xuất từ vitamin A, thuốc có thể giúp cải thiện độ sâu cũng như màu sắc vết rạn, đặc biệt là nếu vết rạn da của bạn tương đối mới. Kem giúp tái tạo collagen trong da và đồng nhất màu da.

Tuy nhiên việc sử dụng retinoid bị chống chỉ định trong khi bạn mang thai và cho con bú vì các hoạt chất của thuốc có thể gây nên dị tật của thai nhi hoặc các vấn đề phát triển ở trẻ (hoạt chất này có thể đi vào máu và vào sữa mẹ). Tránh thai được khuyến cáo trong quá trình sử dụng thuốc.

Phương pháp điều trị này nên kết hợp sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày, để tránh làm khô da quá mức. Kết quả điều trị thay đổi tùy theo từng cơ địa mỗi người.

  • Laser, lột da, siêu mài mòn da

Những phương pháp điều trị bề mặt này là một phần trong điều trị thẩm mỹ.

Mài mòn da giúp kích thích tổng hợp collagen trong lớp bì. Kỹ thuật phải được thực hiện bởi các bác sĩ da liễu, bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ. Mài mòn da bị chống chỉ định trong thai kỳ và phải tránh nắng trong khoảng thời gian từ 10 ngày đến một tháng để tránh hiện tượng tăng sắc tố sau viêm.

Peel da là phương pháp lột da hay bào mòn da bằng hóa chất. Các chất được sử dụng có nguồn gốc từ axit trái cây như: axit glycolic, acid lactic, axit trichloroacetic (TCA) hoặc phenol. Để điều trị vết rạn da, peel sâu thường được chỉ định. Các trường hợp peel sâu phải được thực hiện và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa và cần thiết có thể thực hiện dưới gây mê toàn thân.

  • Liệu pháp laser và ánh sáng

Liệu pháp laser là một lựa chọn khác để giảm vết rạn da. Laser giúp kích thích sự phát triển của collagen và elastin trong da. Có nhiều loại laser khác nhau và bác sĩ có thể giúp bạn chọn loại phù hợp với da bạn nhất.

Các tia laser (Laser CO2 bóc tách, Erbium bóc tách hoặc phân đoạn) tạo ra nhiệt lên da nhằm mục đích phục hồi sản xuất collagen của lớp bì.

Thủ thuật thường kéo dài từ 30 phút đến một giờ. Số lần thực hiện cần thiết rất khó để đánh giá ngay khi bắt đầu điều trị, tuy nhiên có thể thực hiện trên 10 lần, với khoảng cách giữa 2 lần điều trị là 2-4 tuần.

  • Sóng RF (Radio frequency)

Cùng một nguyên lý tạo nhiệt để kích thích collagen tăng sinh. Kết quả thay đổi theo từng cơ địa mỗi người và số lần thực hiện có thể rất nhiều lần. Bạn có thể thực hiện RF từ 1-2 lần/ tuần, không chỉ giúp cải thiện vết rạn mà còn giúp da săn chắc, trẻ hóa.

  • Led xung ánh sáng (điốt phát sáng), kích thích sự tổng hợp collagen và elastin. Tuy nhiên hiệu quả thường không rõ rệt.
  • Phẫu thuật thẩm mỹ

Trong trường hợp vết rạn da ở bụng nhiều và chằng chịt thì đây được xem là giải pháp hoàn hảo vừa loại bỏ da thừa vừa giúp giảm mỡ cũng như tạo hình lại thành bụng (abdominoplasty). Phẫu thuật giúp loại bỏ mỡ thừa và da từ bụng dưới và phục hồi da cho bụng phẳng và da mịn màng, phẫu thuật nên được thực hiện tại bệnh viện với bác sĩ chuyên khoa và ê kíp gây mê để quá trình làm đẹp bảo đảm an toàn nhất.

 

Kết luận

Vết rạn da thường mờ dần theo thời gian, nhưng không thể biến mất hoàn toàn. Việc phòng ngừa khó khăn và không có sản phẩm thần kỳ nào được chứng minh một cách khoa học.

Nhiều loại kem, dầu và các mặt hàng chăm sóc cá nhân tuyên bố giúp ngăn ngừa rạn da, nhưng nhiều tuyên bố này thiếu cơ sở khoa học. Dù các sản phẩm này có thể không giúp cải thiện, nhưng trong hầu hết các trường hợp, có thể giúp tăng cường độ ẩm cho da mà không gây thêm bất kỳ tổn hại nào khác.

Luôn nhớ rằng, vết rạn da tương tự như sẹo: Rất khó để làm cho chúng biến mất.

BS Đoàn Mạnh Khải

Khoa Tạo hình thẩm mỹ – Bệnh viện Từ Dũ

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết