Những điều cần biết về lăn kim

Thời gian gần đây, phương pháp làm đẹp da bằng lăn kim đang được chị em “sủng ái”. Để thu hút khách hàng, một số cơ sở thẩm mỹ không ngại phóng đại về hiệu quả của phương pháp làm đẹp này. Thực hư ra sao?

lăn kim là gì

LĂN KIM LÀ GÌ?

Lăn kim là phương pháp làm đẹp cho da bằng cách tạo ra vết thương giả từ con lăn chuyên dụng chứa nhiều đầu kim rất nhỏ. Các vi chấn thương từ đầu kim sẽ kích thích quá trình lành thương, đồng thời mở những đường chuyền nhỏ để dẫn các sản phẩm có công dụng tái tạo, phục hồi và trẻ hóa vào da.

Phương pháp này đã được tìm ra từ những năm 1990, dựa trên cơ chế tự lành thương của da. Nếu như lột da bằng hóa chất giúp cải thiện kết cấu của da thông qua vết thương do hóa chất, tia laser giúp cải thiện kết cấu của da thông qua vết thương do nhiệt, thì lăn kim cũng mang lại hiệu quả này thông qua vết thương cơ học từ vô số đầu kim siêu nhỏ. Các đầu kim này phải được sản xuất một cách chuyên dụng để không gây phá vỡ mô, mạch máu của da mà chỉ đủ tạo chấn thương có kiểm soát và thật nhỏ trên da mà thôi.

VÌ SAO LĂN KIM GIÚP DA ĐẸP HƠN?

Khi kim lăn tạo ra những vết thương nhỏ trong lúc tiếp xúc với da, quá trình lành thương tự phát của da sẽ kích thích da tự sản sinh collagen, elastin, các chất nền. Từ đó sẽ thúc đẩy quá trình làm đầy sẹo rỗ, nếp nhăn hoặc thu nhỏ các lỗ chân lông to được diễn ra nhanh hơn.

Tùy tình trạng da, vị trí và mục đích điều trị, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kim lăn thích hợp để thực hiện lăn kim. Chúng khác nhau về kích cỡ để có thể thâm nhập vào da với các độ sâu, cạn khác nhau.

Quá trình lăn kim giúp tạo những lỗ siêu nhỏ trên da. Chúng là những “con kênh” dẫn các dưỡng chất làm đẹp thâm nhập vào lớp sừng của da và thể hiện hiệu quả của chúng.

lăn kim

LĂN KIM ĐƯỢC DÙNG CHO NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Lăn kim được chỉ định chính cho các trường hợp sẹo rỗ, rạn da, da lão hóa và nhu cầu cải thiện lỗ chân lông to. Ngoài ra, với các dưỡng chất thích hợp đưa vào da, lăn kim cũng hỗ trợ điều trị vết thâm, rụng tóc, giúp làm ẩm, làm mướt và phẳng da,…

 ĐỐI TƯỢNG NÀO KHÔNG NÊN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP LĂN KIM?

Lăn kim sẽ phản tác dụng, làm cho bạn xấu hơn hoặc phát sinh thêm một số vấn đề khác cho da nếu như bạn nằm trong các tình huống sau:

Dị ứng (thành phần thuốc đưa vào).

Tiền sử sẹo lồi hoặc phì đại.

Chảy máu bất thường hoặc uống thuốc kháng đông.

Bệnh tự miễn (lupus, xơ cứng bì).

Động kinh.

Tiểu đường.

Herpes simplex virus type 1 (HSV-1) đang hoạt tính.

Nhiễm khuẩn.

Đang bị viêm da.

Cũng có thể làm nhưng thận trọng hơn với phụ nữ có thai hoặc cho con bú (chống chỉ định tương đối).

 CÁC TÁC DỤNG PHỤ CÓ THỂ GẶP KHI LĂN KIM

Đỏ da trong 1 – 2 ngày đến 1 tuần.

Khả năng dị ứng với thuốc tê, các chất đưa vào da trong hoặc sau khi lăn kim.

Nguy cơ nhiễm trùng: Với vị trí ở vùng trung tâm của mặt (quanh mũi – miệng), nhiễm trùng da có thể trở nên nghiêm trọng nếu vi khuẩn theo máu đi sâu vào hệ tĩnh mạch xoang hang.

Nguy cơ để sẹo thâm, sẹo mất màu da.

Bầm máu. 

lăn kim

CẦN LƯU Ý GÌ KHI THỰC HIỆN DỊCH VỤ LĂN KIM

Để thu hút khách hàng, một số cơ sở thẩm mỹ có thể phóng đại về hiệu quả của phương pháp làm đẹp này mà quên tư vấn với bạn các rủi ro có thể xảy ra.

Như mọi phương pháp làm đẹp khác, lăn kim có thể phù hợp với những trường hợp sẹo rỗ, lỗ chân lông to, da sần sùi, nếp nhăn mảnh,… chứ không phải là công cụ vạn năng để giải quyết cho tất cả các khiếm khuyết về da.

Bạn cần chọn cơ sở tín nhiệm, có giấy phép, tốt nhất là có bác sĩ để có thể kê toa cho bạn một số thuốc dùng sau lăn kim, biết cách chăm sóc vết thương, biết chọn lựa đối tượng có thể thực hiện và không thể thực hiện đồng thời xử trí kịp lúc các tình huống không mong muốn như chảy máu, nhiễm trùng,…

Kim sẽ được sử dụng riêng cho từng người và chỉ nên dùng một lần. Từ con lăn, đầu kim đều phải được sản xuất bởi những cơ sở chuyên nghiệp. Kim được sản xuất với chất liệu không rỉ, bén và đường kính cực nhỏ. Nhờ thế, các “vết thương” của da cũng sẽ rất nhỏ, đóng lại trong vòng 15 phút ở thượng bì và vài giờ sau đó ở lớp bì.

Khi chất lượng kim kém (ví dụ không đủ nhỏ hoặc không đủ bén), hoặc thao tác của kỹ thuật viên không đúng, việc lăn kim lên da sẽ làm tổn thương mô, hoặc gây thủng mạch máu dẫn đến các ổ máu tụ dưới da và làm da bị sạm đen sau đó.

Bạn nên kiểm tra các thông tin về nhà sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng kim trên bao bì.

Kim lăn phải được vô trùng, đặt trong túi vô khuẩn còn nguyên vẹn. Tốt nhất nên sử dụng kim lăn của nhà sản xuất có chứng chỉ CE với số đăng ký gồm bốn chữ số (tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu) hoặc đăng ký với FDA.

BS Võ thị Bạch Sương –

Phòng khám Chăm sóc da – BVĐH Y Dược

 

Posted in: Bạn cần biết